TRUYỀN THÔNG KHÔN NGOAN CHO MÔI TRƯỜNG – TÍCH CỰC NHƯ TRASH ISLES

TRUYỀN THÔNG KHÔN NGOAN CHO MÔI TRƯỜNG – TÍCH CỰC NHƯ TRASH ISLES

Ngày 15 tháng 11 cách đây 2 năm, vào 2017, người ta xôn xao và trầm trồ bàn tán khi một đất nước sắp ra đời, cái mà vào thời điểm hiện tại, hầu như không xảy ra nữa. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, đáng nói hơn đây không phải là một quốc gia bình thường. Toàn thể diện tích bề mặt lãnh thổ của nó lớn gần bằng nước Pháp, với cấu trúc toàn…rác.

Người ta bắt đầu hứng thú với một quốc gia lạ đời như vậy, nhiều người nổi tiếng còn đăng kí làm cư dân mang quốc tịch của Trash Isles như một niềm tự hào và vinh dự, bởi khi là công dân của quốc gia này rồi, họ có trách nhiệm và bảo vệ nó nhiều hơn. Và ai cũng mong, mong một điều lạ đời hơn, là có một ngày quốc gia này sẽ xoá sổ, không còn là thành viên thứ 194 của tổ chức Liên Hiệp Quốc nữa.

Đảo Rác ra đời đánh dấu một sự thức tỉnh cho toàn nhân loại

Với đầy đủ biểu tượng đủ để trở thành một quốc gia, từ quốc kì đến tiền tệ, mọi thứ đều mang màu đặc trưng rất riêng của Đảo Rác. Sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng như một cách thức mà marketer vẫn hay dùng: Influencers. Nhưng hàng loạt chiến dịch truyền thông theo hướng xanh như vậy đã diễn ra, tại sao lại không hiệu quả và lan truyền rộng như Trash Isles?

Câu hỏi đặt ra là liệu trào lưu này xuất phát từ “phần băng chìm” nào trong hành vi của người tiêu dùng? Sự hình thành một quốc gia toàn rác với diện tích khổng lồ này ngoài việc làm người ta giật mình vì sự thờ ơ của mình trong thời gian qua thì còn là gì nữa? Phải chăng đánh thức một điều gì đó ngủ quên sâu trong tiềm thức vốn đã biết trước của con người nó lại dễ hơn là việc nhắc nhở họ hàng ngày lặp đi lặp lại?

Tư cách công dân của Đảo Rác là niềm tự hào thúc đẩy cộng đồng hành động

Câu trả lời ở đây chính là thể loại cảm xúc của việc truyền thông hướng đến. Nhiều nhãn hàng và thương hiệu đều tích cực tư duy theo hướng sống xanh, sống có ích và tiết chế thải rác ra môi trường. Rất nhiều ông lớn trong ngành F&B tranh đua nhau thay đổi thói quen của người tiêu dùng bằng việc thay đổi sản phẩm họ cung cấp bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều hãng cà phê lớn tiết chế việc sử dụng bao bì, ly nhựa, ống hút nhựa,… Các siêu thị bán lẻ dùng túi nilon thân thiện dễ phân huỷ, các điểm bán lẻ dùng túi vải, túi giấy thay vì túi bóng như trước nữa, và còn nhiều lắm những hành động từ phía các doanh nghiệp như là một cách tuyên truyền cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường trước tình trạng báo động của mẹ thiên nhiên.

Điều đó cũng quy về là một cách truyền thông.

Và là truyền thông bằng CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp), cách truyền thông được nhận định là có hiệu quả rất tốt cho thương hiệu khi đánh vào cảm xúc của khách hàng. Ai cũng có xu hướng thích những việc tốt và ấn tượng tốt với những cá nhân, tổ chức từ thiện. Trách nhiệm của doanh nghiệp lại càng lớn đối với môi trường khi việc hoạt động sản xuất kinh doanh của họ ảnh hưởng mật thiết tới môi trường. Người khách hàng thời hiện đại khôn ngoan, đủ hiểu những hành động của phía doanh nghiệp với môi trường không đơn thuần là kêu gọi, nhưng nhiều lối kêu gọi, nhiều thái độ tuyên truyền khác nhau, cái nào mới gọi là hiệu quả và lan rộng?

Thay đổi sản phẩm cung cấp, giảm bớt nhựa, liệu có thay đổi hành vi khách hàng?

Một phương thức truyền thông được sử dụng không chỉ trong trường hợp này mà với nhiều hiện tượng xã hội khác là đánh vào nỗi sợ hãi và cảm xúc đồng cảm của người tiêu dùng. Nhiều kênh truyền thông dùng những nỗi sợ như”diệt vong”, “ngộ độc hạt vi nhựa”, “tuyệt chủng”,… và hàng loạt hình ảnh đáng thương của các động vật. Điều này gợi lên cái gì ở khách hàng , ở dư luận xã hội? Và có vẻ nó không được lan truyền mạnh mẽ như là chiến dịch của Trash Isles. Khoan bàn về sự mới lạ, không phải một quốc gia Rác sẽ thu hút người ta nhiều hơn, mà điều quan trọng là tư cách công dân của quốc gia đó dấy lên niềm tự hào trong họ, và so với việc họ cảm thấy sợ hãi khi những nguy cơ không biết chính xác khi nào sẽ ập đến là một chênh lệch lớn.

Rõ ràng, đánh vào hướng cảm xúc tích cực trong truyền thông mang lại hiệu quả mạnh mẽ và lan toả nhanh hơn. Nỗi sợ hãi hay cảm xúc tội lỗi có thúc đẩy hành vi của khách hàng, nhưng chỉ  một lượng nhỏ, bởi không ai muốn mắc phải những cảm xúc hướng tiêu cực trừ phi họ dễ bị bắt mạch cảm xúc. Nhưng còn trách nhiệm, hành vi xuất phát từ tự hào, từ niềm vui và sự hứng thú lại khác hẳn, nó mạnh mẽ bởi vì không ai lại từ chối việc tự hào. Niềm tự hào trở thành một công dân cho Trash Isles khiến cộng đồng quan tâm nhiều hơn và tranh nhau đăng kí làm điều đó, cũng như việc mua một ngôi sao mang tên mình ở trong vũ trụ vậy. Loại cảm xúc tích cực – tự hào – được cho là ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiềm thức và dẫn đến hướng thay đổi hành vi của một người trong thời gian dài, tạo thành thói quen duy trì cảm xúc đó vì nó có lợi cho người bị ảnh hưởng.

Đánh vào nỗi sợ hay dấy lên niềm tự hào cho phong trào bảo vệ môi trường?

Và đó là lí do tại sao Trash Isles như một cơn sốt lây lan nhanh trên thế giới, không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường vì đó là hành động bảo vệ cho tương lai của chính mình, mà vì niềm tự hào làm nổi lên làn sóng trách nhiệm,và dẫn dắt hành vi đi theo hướng tự nguyện mà không sinh ra cảm xúc tội lỗi một cách thụ động. Truyền thông hiệu quả không chỉ nắm bắt được cảm xúc cộng đồng, mà còn làm họ duy trì cảm xúc tích cực đó lâu hơn và thúc đẩy hành vi tích cực theo.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.